Thiếu kẽm và cách bổ sung

Kẽm là một khoáng chất vi lượng cần thiết cho cơ thể. Kẽm can thiệp vào nhiều chuyển hóa glucid, protein và acid nucleic. Kẽm còn can thiệp vào khả năng thể hiện của gen và quá trình tổng hợp của protein, cũng như trong chuyển hóa của acid béo không no tạo ra màng tế bào.

Nhưng ngày nay có nhiều người gặp vấn đề về sức khỏe do thiếu kẽm. Biểu hiện thường thấy là móng tay dễ gãy hoặc chậm mọc và có những vết trắng, da khô. Ở trẻ em thì lười ăn, chậm phát triển thể lực, ở đàn ông giảm khả năng sinh sản, ở phụ nữ có thai gia tăng biến chứng của thai nghén, giảm trọng lượng trẻ sơ sinh, thậm chí có thể bị lưu thai, nguy cơ sinh non tăng gấp 3 lần, khả năng biến dạng của hệ thần kinh và kém phát triển tinh thần ở trẻ là rất cao, ở người già, thiếu kẽm góp phần gây mất cân bằng đồng hóa với các tác nhân của lão hóa như gốc tự do và chất độc, tăng khả năng loãng xương và teo cơ. Những dấu hiệu khác thiếu kẽm là giảm sự ngon miệng, giảm vị giác, chậm liền sẹo, chậm mọc tóc và móng, tóc dễ rụng, khả năng miễn dịch suy giảm…

Nếu có những biểu hiện của thiếu kẽm thì cần phải bổ sung lại lượng kẽm thiếu hụt cho cơ thể. Những đối tượng nguy cơ cao thiếu kẽm thường là người ăn chay, người bị rối loạn tiêu hóa, phụ nữ mang thai và cho con bú, người bị bệnh hồng huyết cầu hình lưỡi liềm, đàn ông trưởng thành…

Theo các bác sỹ, khi thiếu kẽm cần bổ sung đúng cách và khoa học. Chọn thức ăn giàu kẽm nhưng cần ăn cân đối thức ăn thực vật và động vật. Nên bổ sung kẽm cho trẻ biếng ăn chậm lớn, người có thai và cho con bú. Bổ sung các thuốc có chứa kẽm (gluconat kẽm hay sulfat kẽm). Uống sau ăn 30 phút.

Thời gian bổ sung là 2-3 tháng. Khi dùng kẽm nên dùng thêm vitamin A, B6, C và phospho vì các chất này làm tăng sự hấp thu kẽm. Nếu dùng cả sắt và kẽm thì dùng cách xa nhau, dùng kẽm trước, vì sắt sẽ cản trở sự hấp thu kẽm. Tránh bổ sung thừa vì dùng nhiều kẽm có thể làm giảm khả năng miễn dịch. Không được dùng mỗi ngày quá 150mg.

 

Có thể bổ sung kẽm từ nguồn thức ăn nhiều kẽm như sò, hàu, thịt bò, cừu, gà, lợn nạc, sữa, trứng, cá, tôm, cua, mầm lúa mì, hạt bí ngô, ca cao và socola, các loại hạt (nhất là hạt điều), nấm, đậu, hạnh nhân, táo, lá chè xanh…

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*