Mì ăn liền là một trong những món ăn có tính tiện dụng cao trong xã hội hiện đại. Theo thống kê, mỗi năm, người Việt Nam tiêu thụ hàng tỷ gói mì và mì tôm luôn là một thị trường đa dạng, có sức cạnh tranh cao.
Người Việt ăn mì tôm không chỉ ở bữa sáng mà còn có thể thay thế cơm ở cả bữa chính và bữa khuya. Vậy nhưng không phải ai cũng biết được các thành phần có trong mì ăn liền là gì và cách chế biến bữa ăn nhanh, đầy đủ dinh dưỡng.
Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu rõ hơn về các thành phần dinh dưỡng có trong mì tôm cũng như cách bổ sung cho bát mì thêm “chất” hơn nhé!
Xem thêm: Ăn mì tôm có tốt không
Những thành phần giàu dinh dưỡng có trong mì tôm
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, trong một gói mì ăn liền 75gram có chứa các chất đạm, chất béo, bột đường, cung cấp 15-17% nhu cầu năng lượng mỗi ngày cho người trưởng thành. Mì ăn liền được xem là sản phẩm ngũ cốc dạng ăn nhanh phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới bởi tính tiện lợi, dễ chế biến.
Dưới đây là những dưỡng chất có trong mì ăn liền và cách bổ sung các loại thực phẩm kèm theo giúp món ăn đầy đủ chất dinh dưỡng hơn:
+ Chất bột đường
– Khối lượng: Một gói mì ăn liền loại thông dụng thường chứa 40-50gram chất bột đường. Ví dụ như một gói mì Hảo Hảo 75gram sẽ chứa 51,4gram loại chất này.
– Nguồn gốc: Trên thực tế, bột đường có nhiều trong các loại ngũ cốc, gạo, khoai tây… Trong khi đó, mì ăn liền là sản phẩm được sản xuất từ nguyên liệt chính là bột lúa mì bởi vậy nó chứa khá nhiều bột đường.
– Giá trị cho sức khỏe: Có thể nói rằng bột đường là một trong những nhóm dưỡng chất quan trọng, giúp cung cấp năng lượng cho mọi hoạt động sống của con người.
Thực phẩm chứa bột đường cũng là nguồn cung cấp các vitamin nhóm B, một trong những dưỡng chất có vai trò quan trọng, giúp thúc đẩy quá trình trao đổi chất của tế bào. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, bất cứ ai trong chúng ta cũng đều cần bổ sung đủ lượng bột đường phù hợp cho cơ thể.
Nếu thiếu hụt chất này trong thời gian dài sẽ khiến cơ thể bị suy dinh dưỡng, giảm sức đề kháng và dễ mắc bệnh. Cơ thể thiếu năng lượng sẽ gây ra hiện tượng uể oải, có thể hạ đường huyết gây ngất xỉu.
– Cách bổ sung: Theo phân nhóm thực phẩm, mì ăn liền thuộc nhóm ngũ cốc và sản phẩm chế biến, cùng nhóm với gạo, cơm, cháo, bún, phở, bánh mì…
Đây đều được coi là những thực phẩm cơ bản. Trong bữa ăn, năng lượng từ bột đường nên chiếm khoảng 55-65%. Thành phần bột đường trong mì ăn liền cũng tương tự như cơm, bởi vậy, trong những thời điểm bận rộn, việc sử dụng mì ăn liền để thay thế cơm sẽ không gây ra quá nhiều sự ảnh hưởng đối với sức khỏe.
Với những người có thói quen ăn một bát cơm mỗi bữa có thể thay bằng một gói mì nhỏ, người ăn 2 bát cơm có thể lựa chọn ăn gói mì lớn hơn để thay đổi khẩu vị và tiết kiệm thời gian nấu nướng.
Tuy nhiên, nguyên tắc dinh dưỡng hợp lý là ăn đủ 4 nhóm chất: bột đường, chất đạm, chất béo, khoáng chất và vitamin.
Nếu chỉ ăn một loại thực phẩm thì sẽ mất cân bằng dinh dưỡng, tùy vào cơ địa của mỗi người sẽ xảy ra các vấn đề về sức khỏe, nóng hay nổi mụn.
Vì vậy, các bạn nên kết hợp nhiều loại thực phẩm trong bữa ăn và có chế độ sinh hoạt hợp lý để cân bằng.
Ngoài ra, các bạn có thể thưởng thức mì ăn liền kèm với các loại rau củ như cải xanh, giá đỗ, cải cúc, rau má, rau muống, cà rốt, cà chua… sẽ góp phần đảm bảo dinh dưỡng hơn và tạo cảm giác ngon miệng.
Ngoài các vitamin và khoáng chất thì sự hiện diện của chất xơ trong rau củ sẽ làm bột đường được hấp thu chậm hơn, giúp phòng tránh chứng táo bón và hạn chế gây nóng trong người.
Có thể bạn quan tâm: Bà bầu ăn mì tôm được không
+ Chất đạm
– Khối lượng: Trung bình, một gói mì ăn liền sẽ chứa khoảng 6,8gram chất đạm. Đơn cử mì gói Hảo Hảo khối lượng 75gram có chứa 6,9gram loại chất này.
– Nguồn gốc: Chất đạm thường có trong thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua, đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ, đậu nành, tàu hũ… Ở mỗi vắt mì tôm thường có các chất dinh dưỡng chiết xuất từ nước cốt thịt heo, gà… tẩm vào sợi mì để tạo nên hương vị riêng, tạo tính ngon miệng cũng như cung cấp thêm chất dinh dưỡng cho bữa ăn.
Gói soup trong mỗi sản phẩm mì gói, mì ly cũng là nơi chứa nhiều chất đạm. Các nhà sản xuất mì tôm thường sử dụng phương pháp nấu cô đặc các loại nguyên liệu như xương bò, heo hoặc gà, các loại hải sản như tôm, cá, sò giúp bổ sung chất đạm cho loại thực phẩm này.
– Giá trị cho sức khỏe: Cũng như chất bột đường, chất đạm góp phần cung cấp năng lượng cho cơ thể hoạt động hiệu quả. Mỗi gram chất đạm cho 4 kcal năng lượng.
Chất đạm cũng là nguyên liệu xây dựng tế bào cơ thể, cơ, xương, răng… và tạo dịch tiêu hóa, các men, hormone giúp điều hòa hoạt động của cơ thể.
Đây cũng là nguyên liệu tạo kháng thể giúp chống đỡ bệnh tật, vận chuyển dưỡng chất và điều hòa cân bằng nước. Thực phẩm chứa protein cũng là nguồn tốt cung cấp các vitamin và khoáng chất.
– Cách bổ sung: Trong bữa ăn, đạm nên chiếm từ 15 – 20% là tỷ lệ hợp lý đối với nhu cầu của cơ thể. Nếu muốn dùng mì tôm thay cho cơm, chúng ta có thể bổ sung thêm nhiều loại thức ăn kèm để cân bằng dinh dưỡng.
Bữa chính thay vì ăn cơm với thịt kho và canh rau thì có thể thay bằng mì tôm ăn với thịt heo luộc, rau trụng, trong đó lượng thịt khoảng 30-50gram và rau là 50-100gram.
Các bà nội trợ có thể chế biến một bữa ăn ngon dành cho gia đình bằng việc thưởng thức mì tôm kèm thực phẩm giàu đạm. Nên bổ sung thêm vào mỗi bát mì khoảng 3-4 lát thịt bò, thịt lợn hoặc 2-3 con tôm, nấm, đậu hũ để bữa ăn từ mì tôm được cân đối hơn về năng lượng đến từ chất đạm, đặc biệt là cân bằng giữa đạm động vật và thực vật.
+ Chất béo
– Khối lượng: Trung bình mỗi gói mì ăn liền có chữa 13-17gram chất béo. Mì Hảo Hảo loại 75gram chứa 13gram loại chất này.
– Nguồn gốc: Chất béo thường có nhiều trong dầu, mỡ, bơ… Trong các gói mì đều chứa lượng chất béo nhất định bởi mỗi gói mì đều có kèm theo gói dầu gia vị bao gồm dầu tinh luyện và chiết xuất hương vị từ các loại rau củ, giúp tô mì thêm thơm ngon.
Chất béo trong mì ăn liền còn đến từ quy trình sản xuất, đặc biệt là vắt mì trải qua công đoạn chiên bằng dầu. Với loại mì không chiên mà được sấy bằng nhiệt gió thì lượng chất béo thường thấp hơn.
Trên thực tế, các công ty sản xuất mì theo quy trình hiện đại, có sự giám sát chặt chẽ, chỉ số chất béo trong dầu chiên và sản phẩm mì luôn được giữ ở mức an toàn.
Ngoài ra, để hạn chế tranfast (chất béo bão hòa), các nhà sản xuất đã sử dụng dầu thực vật dạng rắn được tách lọc tự nhiên bằng tác nhân làm lạnh gián tiếp là nước lạnh, dầu được làm nóng gián tiếp bằng hơi nước, tương tự chưng cách thủy trước khi chiên.
Đồng thời dầu mới luôn được cung cấp một lượng bằng với lượng đã hao hụt một cách tự động và liên tục, quá trình chiên mì diễn ra khoảng 2,5 phút.
– Giá trị cho sức khỏe: Chất béo là một trong những nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể, giúp duy trì các hoạt động bình thường.
Mỗi gram chất béo có 9 kcal năng lượng. Các mô mỡ là nguồn dự trữ năng lượng và giúp hấp thu các vitamin tan trong dầu mỡ như vitamin A,D, E, K.
Chất béo đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển các tế bào não và hệ thần kinh. Những loại chất béo hữu ích như chất béo omega 3 có trong mỡ cá, các loại tinh dầu sẽ cải thiện hàm lượng cholesterol có lợi cho cơ thể.
– Cách bổ sung: Chất béo có nhiều trong bơ, bơ thực vật, dầu, kem, đồ ngọt… Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, chế độ ăn hàng ngày trung bình ở mức 2000 kcal thì mỗi người cần bổ sung tổng lượng chất béo khoảng 60gram.
Với chế độ ăn hợp lý, chất béo nên chiếm từ 25-30% bữa ăn. Bên cạnh đó, lượng chất béo thấm trong vắt mì chiên và gói dầu gia vị đáp ứng khoảng 30% lượng chất béo cần thiết cho một người. Lượng chất béo này cân đối so với lượng bột của vắt mì.
Khi dùng mì ăn liền đổi món cho cơm, các bạn nên kết hợp với nhiều thực phẩm giàu đạm, xơ khác.
Rau trái cung cấp chất giúp hệ tiêu hóa và sức đề kháng cơ thể, cân bằng dinh dưỡng cũng như hạn chế cảm giác ngán khi ăn mì, giúp bữa ăn tiện lợi, ngon miệng hơn khi nấu cùng.
Khám phá: Ăn mì tôm có béo không
+ Năng lượng
– Khối lượng: Trung bình, một gói mì ăn liền loại thông dụng (75gram) có thể cung cấp cho cơ thể 300-350kcal. Con số này tương đường 15-17% nhu cầu năng lượng mỗi ngày đối với người trưởng thành.
– Nguồn gốc: Năng lượng trong mỗi gói mì đến từ sự kết hợp các chất đạm, béo, bột đường từ nguyên liệu tạo nên mỗi vắt mì và gói gia vị đính kèm.
– Giá trị cho sức khỏe: Cơ thể luôn cần năng lượng để hoạt động hiệu quả mỗi ngày. Theo bảng nhu cầu dinh dưỡng của Viện dinh dưỡng Quốc gia, Bộ Y tế, mỗi người trưởng thành cần trung bình khoảng 1600-2200 kcal/ngày tùy vào giới tính và mức độ hoạt động thể lực.
Ví dụ mỗi ngày nữ lao động nhẹ cần 25-30 kcal trên mỗi kg cân năng, còn nam lao động trung bình cần 30-35 kcal cho mỗi kg cân nặng.
Nhu cầu dinh dưỡng của mỗi người là khác nhau và tùy thuộc vào độ tuổi, giới tính, công việc và tình trạng sinh lý nên kết hợp nhiều nhóm và nhiều loại thực phẩm khác nhau để cân bằng dinh dưỡng và cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể.
– Cách bổ sung: Nền tảng cho chế độ dinh dưỡng hợp lý là đa dạng hóa bữa ăn, tức là có sự kết hợp của nhiều loại thực phẩm.
Bữa ăn chính càn đủ 4 nhóm là bột đường, đạm, béo, khoáng chất và vitamin. Trong đó, bột đường, đạm, béo giúp cung cấp năng lượng; chất đạm và béo giúp xây dựng và duy trì hoạt động bình thường của cơ thể; vitamin và chất xơ cần thiết cho hệ tiêu hóa và sức đề kháng.
Theo nhu cầu dinh dưowngx khuyến nghị cho người Việt Nam được Bộ Y tế phê duyệt năm 2016, mỗi 1000 kcal ăn vào cần 14gram chất xơ.
Do đó, nếu có điều kiện, người sử dụng nên chế biến mì tôm cùng các loại rau xanh, củ quả, thực phẩm giàu chất đạm như tôm, thịt để đảm bảo cân bằng đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể.
Tùy theo khẩu vị, các bạn có thể thêm vào một chút gia vị như chanh, ớt, tiêu, hành, rau thơm…
Hiện nay, một số sản phẩm mì gói đã được các nhà sản xuất bổ sung thêm các loại rau củ, thịt, trứng, rong biển… nhằm đa dạng thực phẩm, tăng giá trị dinh dưỡng và giúp người tiêu dùng thay đổi khẩu vị, có thêm sự lựa chọn cho bữa ăn. Nếu chỉ sử dụng mì ăn liền đơn thuần thì ở những bữa ăn sau cần kết hợp với các loại thực phẩm khác để bữa ăn vẫn đảm bảo tính đa dạng trong chế độ ăn hàng ngày.
Leave a Reply