Cây rút nước có nhiều tên gọi khác nhau là điên điển bưng, điền ma Ấn. Cây rút nước sắc lấy nước xông chữa bệnh mề đay, hoặc giã nát lấy nước nấu với trứng gà, trứng vịt uống trị ung nhọt.
Rút nước là cây thảo hằng năm, hóa gỗ nhiều hay ít, cao từ 0,3 đến 2,5 m, thân mảnh, nhẵn. Lá kép lông chim nhẵn có trục dài từ 5 đến 7 cm, mang gai nhỏ hay tuyến cách quãng, lá chét từ 41 đến 61 chiếc, hình dải, dài từ 4 đến 15 mm, rộng từ một đến 4 mm, xếp sít nhau, cuống lá dài từ 4 đến 15 mm, lá kèm thuôn từ 6 đến 7 mm, kéo dài tới nơi dính. Cụm hoa ở nách lá, dài từ 2 đến 5 cm mang từ một đến 4 hoa màu vàng, đài dài 5 mm, hai môi, tràng dài từ 7 đến 8 mm. Quả dẹt, dài từ 25 đến 40 mm, rộng 4 mm, nhăn nheo giữa các hạt, có từ 5 đến 10 đốt. Hạt hình thận, kích thước 2,5×1 mm, màu nâu.
Toàn cây có thể dùng làm thuốc trong đông y. Có thể để tươi hay cắt đoạn phơi khô. Thuốc có vị đắng, ngọt, chát, tính hàn, tác dụng thanh nhiệt lợi thấp, tiêu thũng chỉ huyết. Được dùng trị cảm nhiễm niệu đạo, tiểu tiện bất lợi, viêm gan thể hoàng đản, phúc thủy, viêm ruột, viêm kết mạc, viêm túi mật, viêm tuyến sữa. Ngoài ra còn chữa đau mắt, bệnh mày đay và rắn cắn.
Có thể sử dụng cây rút nước làm bài thuốc chữa các bệnh sau:
Bệnh mày đay (nổi mề đay): Lấy cây rút nước tươi từ 60 đến 100 g sắc lấy nước xông vào nơi bệnh.
Ung nhọt: Rút nước tươi 20 g, trứng gà, trứng vịt, mỗi loại một quả. Rút nước đem nấu lấy nước bỏ bã, đập trứng vào nấu, uống luôn canh và ăn trứng. Lá rút nước tươi giã nhuyễn, đắp vào vết thương.
Viêm tuyến sữa: Lấy lượng cây rút nước tùy ý đem sao khô, tán nhuyễn thành bột mịn. Mỗi lần uống 6 g với rượu nho để dẫn thuốc.
Chú ý: Cây có độc tính nên phải dùng đúng liều lượng cho phép và hỏi ý kiến thầy thuốc trước khi sử dụng. Không tự ý dùng cao rút nước vì có tác dụng diệt tinh trùng, giảm hoạt động vận động tự nhiên, gây nhũn não, gây ra rối loạn chức năng của hệ tiền đình – tiểu não.
Leave a Reply